Trong cuốn sách "Sẵn sàng cho mọi việc"
bạn có thể thấy ở đây những nguyên tắc tổ chức công việc của David
Allen, một trong những nhà tư tưởng về hiệu suất công việc có ảnh hưởng
nhất trên thế giới, diễn giả nổi tiếng cũng như nhà tư vấn cho các tổ
chức như New York Life, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Ford... Theo quan niệm
của ông, việc quản lý thời gian liên quan rất ít đến những thứ nhàm chán
như danh sách, nguyên lý hay những luật lệ hà khắc. Mà quan trọng hơn
là học cách khát khao những điều vĩ đại và đạt mục tiêu bằng nhiệt huyết
và sự tập trung. Cách nhìn khác về hiệu suất này làm cho cuốn sách của
ông không chỉ là tác phẩm đáng đọc mà còn đáng để bạn thực sự tin tưởng.
Để
đạt hiệu suất cao, bạn sẽ học cách Giải quyết những việc dở dang. Hoàn
thành những công việc dở dang, cho dù là các dự án trọng yếu hay những
công việc vặt vãnh tồn đọng cần giải quyết, sẽ là nền tảng tạo nguồn
sinh lực dồi dào hơn, minh mẫn hơn để bạn sẵn sàng đón nhận bất cứ điều
gì xảy ra. Khi nào gạt bỏ được những yếu tố tiêu tốn năng lượng của bạn,
hãy Tập trung hiệu quả. Bị sao nhãng vì những công việc chưa giải
quyết, dòng chảy sáng tạo trong bạn sẽ bế tắc. Hãy khơi thông dòng chảy,
thu hút và phát triển tư duy mới, khi đó hiệu suất cao sẽ tự xuất hiện.
Tạo nên những khuôn khổ hiệu quả là yếu tố quyết định thứ ba vì sức
mạnh của toàn bộ hệ thống chỉ bằng sức mạnh của mắt xích yếu nhất.
Đơn giản hóa để dễ dàng thực hiện
Chúng ta đạt được hiệu suất
tối đa khi hoàn thành được công việc với nỗ lực tối thiểu. Tuy nhiên,
thực tế là chúng ta luôn phải đối mặt với các chướng ngại và vật cản khi
muốn thực hiện bất kỳ công việc nào. Muốn nâng cao hiệu suất, ta cần
phải vượt qua những rào cản, chướng ngại, sự sao lãng – bất kỳ điều gì
cản trở hoặc làm chậm bước tiến của mình. Trong thế giới luôn chuyển
động không ngừng, mọi vấn đề phát sinh ngay khi chúng ta vừa kịp hình
dung ra, do đó việc rèn luyện để đạt được tính linh động và tập trung
cao hơn hoặc thiết lập những phương pháp, cách tiếp cận tốt hơn dường
như không mấy cần thiết. Tuy nhiên, để thật sự đạt được những điều mình
muốn, chúng ta phải luôn sẵn sàng cho mọi việc. Và có những việc mà
chúng ta đều có thể làm, trong bất kỳ lúc nào, để dễ dàng vượt qua những
chướng ngại và kiên định với mục tiêu theo đuổi.
Trong suốt hơn
20 năm qua, tôi đã tìm kiếm những phương pháp tốt nhất để sống và làm
việc thoải mái hơn, tích cực, bền vững hơn. Là nhà tư vấn quản lý và đào
tạo về hiệu suất công việc, tôi đã giúp hàng nghìn người biến các
phương pháp tôi khám phá ra thành những phương thức tuyệt vời nhất để
nâng cao hiệu suất công việc và tìm thấy niềm yêu thích đối với mọi việc
họ làm. Khi đã có trong tay bí quyết tạo sự cân bằng trong công việc
hàng ngày, thì dù có vấn đề gì xảy ra, trực giác và óc sáng tạo của họ
cũng sẽ rộng mở hơn. Họ sẽ xử lý thông tin tốt hơn, kiểm soát suy nghĩ,
cảm xúc tốt hơn, tập trung vào kết quả và tin tưởng vào những phán đoán
của mình về những việc phải thực hiện tiếp theo. Họ có cách tiếp cận
mang tính hệ thống thích hợp để xử lý những vấn đề liên quan đến cuộc
sống và công việc. Cách tiếp cận này hữu ích hơn nhiều so với việc chỉ
dựa vào những hành vi mang tính phản ứng, đối phó để thoát khỏi áp lực
và khủng hoảng. Khi biết rõ mình có những quy trình thích hợp để xử lý
mọi tình huống, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Và khi đó, mọi việc
sẽ tiến triển tốt đẹp. Hoàn thành nhiều việc hơn, với ít nỗ lực hơn và
rất nhiều ảnh hưởng tuyệt vời khác sẽ làm tăng thêm chất lượng cuộc sống
và thành quả thu được từ những nỗ lực của họ.
Các phương pháp này
xuất phát từ những hành vi và cách thức giúp chúng ta phát huy bản thân
cao nhất mà tôi đã khám phá ra. Từ những năm 1980, chúng đã được thử
nghiệm và chứng minh tính hiệu quả đối với cả cá nhân và tổ chức. Các
bước của chúng đã được mô tả trong cuốn Getting things done: The art of
Stress-Free Productivity (OK mọi việc: Loại bỏ stress để đạt hiệu suất
cao). Thành công của cuốn sách trên toàn thế giới cho thấy dù ở nền văn
hóa và lĩnh vực nghề nghiệp nào, dường như ai cũng sẵn sàng đón nhận
thông tin này và hào hứng thay đổi. Họ mệt mỏi do quá tải với công việc
và các vấn đề cuộc sống. Họ muốn tìm lại những cơ hội vui chơi và sáng
tạo. Họ đang tìm kiếm một phương pháp, một hệ thống hiệu quả trong mọi
loại công việc và tình huống. Họ muốn có một khuôn mẫu nhưng phải là
khuôn mẫu tự nhiên phù hợp với những lối sống phức tạp của mình, đem lại
tự do, chứ không phải sự gò ép.
Khi khám phá và thực hiện các vấn
đề trọng tâm trong chương trình của mình, đó là Cái gì (What), Khi nào
(When) và bằng Cách nào (How), tôi còn làm một số việc nữa: liệt kê
những lý do Tại sao (Why) đằng sau các bước này. Tại sao chúng lại có
tác dụng tích cực? Tại sao chúng giúp mọi người phát huy khả năng tốt
hơn và vui sống hơn? Có điều gì sâu xa hơn ở đây không? Nền tảng của
những thành công này là gì? Dường như đó là những nguyên lý cơ bản được
hình thành trong và thông qua phương pháp luận – những yếu tố luôn thích
hợp dù ta áp dụng chúng khi nào, ở đâu và với ai.
Một người có
thể trở thành tay đua xe xuất sắc mà không biết chút gì về trọng lực,
mặc dù đó là lực cơ bản tác động đến mọi thứ anh ta thực hiện sau
vô-lăng. Để chiến thắng, tay đua chỉ cần biết điều khiển vô-lăng, kiểm
soát tốc độ, nắm vững kỹ thuật cua và luôn luôn làm chủ tay lái. Bạn sẽ
làm công việc của mình, còn trọng lực sẽ làm công việc của nó. Làm chủ
được mình, chiếc xe của bạn sẽ đến đích. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu
chỉ lái xe nhanh thôi vẫn chưa đủ? Điều gì xảy ra nếu bạn muốn biết lý
do tại sao những kỹ năng của bạn lại hiệu quả đến vậy và chúng đã giúp
bạn tránh va chạm và bốc cháy như thế nào? Điều gì xảy ra nếu bạn vén
màn những bí mật đằng sau thành công của mình? Và điều gì sẽ xảy ra nếu
việc khám phá những bí mật đó sẽ giúp bạn có nhiều công cụ hơn để đạt
hiệu suất cao hơn, thậm chí đạt thành công lớn hơn?
Link download ebook free tại đây:
0 nhận xét