Đời kỹ nữ hay còn gọi là “ Hồi ức của một geisha ” của tác giả Arthur Golden (NXB Vintage, London, Anh – 1997) đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Suốt hai năm liền, Đời kỹ nữ
luôn giữ vị trí “best- seller” với trên 4 triệu bản tại Mỹ và được dịch
sang 32 ngôn ngữ. Điều hấp dẫn độc giả chính là thế giới bí ẩn của các
geisha Nhật Bản đã được bóc trần qua câu chuyện của một cựu geisha danh
tiếng nhất thời kỳ ấy…
Năm 2006, độc giả Việt Nam đã biết đến Đời kỹ nữ
do NXB Văn học giới thiệu. Mới đây, một lần nữa, độc giả lại được chứng
kiến các nàng geisha bước từ trang sách lên phim với diễn xuất của dàn
nữ diễn viên nổi tiếng Trung Quốc: Chương Tử Di, Củng Lợi và Dương Tử
Quỳnh.
Nếu chưa đọc cuốn tiểu thuyết Đời kỹ nữ
thì bạn nên xem phim, bởi đọc sách bạn sẽ bị ám ảnh bởi nội dung và khi
thưởng thức nó dưới góc độ một tác phẩm điện ảnh, ít nhiều bạn sẽ bị
chi phối.
Nhiều
người lầm tưởng geisha là gái làng chơi, bởi họ làm công việc mua vui,
phục vụ các quý ông. Nhưng qua những dòng mô tả về một geisha, độc giả
chợt nhận ra họ không phải là những kỹ nữ thông thường. “geisha” trong
tiếng Nhật có chữ “gei” có nghĩa là “nghệ thuật”. Một cô gái trở thành
geisha phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt từ khi còn là một đứa
trẻ. Không chỉ có nhan sắc, một geisha được học từ đi đứng, nói năng,
cách pha trà, từng động tác giao tiếp, thông minh, dí dỏm…
Nhân
vật chính trong câu chuyện là cô bé Chiyo, mới 9 tuổi đã bị bán vào kỹ
viện. Tuổi thơ cực khổ, tủi nhục của cô là một quá trình vươn lên đầy
nghị lực để trở thành nàng geisha tài danh nổi tiếng. Một nàng geisha
làm say đắm bao quý ông quyền lực, giàu sang song cũng là người cô đơn
và đau khổ với tình yêu đơn phương ngoài tầm với, một tình yêu bị ngăn
cấm bởi thân phận “geisha”.
Qua
những trang sách của Đời Kỹ Nữ, độc giả cảm nhận được những cảm xúc
tuyệt vời của của một cô bé tội nghiệp sống trong một gia đình quá
nghèo, khát khao cháy bỏng một tình thương. Vì thế, những khoảnh khắc
đọng lại trong đời của cô là sự rung động đầu tiên trước tấm lòng bao
dung của một người đàn ông đã nâng đỡ và chăm sóc cô từ cú vấp ngã đầu
tiên.
Khi
cô bé vào kỹ viện, sống những ngày khổ cực, có lúc cô đứng khóc bên
đường và thêm một lần nữa, một quý ông đã dừng lại lau nước mắt cho cô.
Hình ảnh của người đàn ông nhân hậu ấy đã thắp lên trong cô bé ngọn lửa
và sức mạnh của tình yêu, là động lực để Chiyo quyết tâm trở thành một
geisha nổi tiếng để có thể tiếp cận người đàn ông duy nhất của đời mình…
Khán
giả được gì qua bộ phim? Nếu trong sách, hình ảnh lễ hội mùa xuân với
hoa anh đào chỉ được mô tả qua những dòng chữ và độc giả phải tưởng
tượng thì trong phim khán giả được chứng kiến sắc màu rực rỡ của hoa và
vẻ đẹp quyến rũ của một geisha.
Đạo
diễn Rob Marshall từng làm mưa làm gió tại lễ trao giải Oscar với bộ
phim “Chicago” nay tiếp tục tạo ấn tượng trong bộ phim này. Ông đã cùng
các cộng sự bay sang Nhật “để câu chuyện về Sayuri thật ấn tượng trong
lòng người xem, chúng tôi nhất trí phải trải nghiệm trên đất nước của
những geisha”.
Những
bảo tàng, xưởng may kimono, cuộc đấu võ sumo, xe kéo tay, lễ hội mùa
xuân và việc trang điểm của một geisha đều được quan sát tỉ mỉ. Tìm diễn
viên vào vai Sayuri cũng kỳ công. Đó phải là người thể hiện được tính
cách xuyên suốt từ một cô bé đáng thương hồi nhỏ với một nàng geisha
quyến rũ lúc trưởng thành.
Đó
cũng phải là một nữ diễn viên múa xuất sắc, bởi Sayuri là một geisha
làm mê hoặc các quý ông bằng vũ điệu của mình. Không có gì lạ khi vai
diễn này được giao cho Chương Tử Di. Cô cùng Dương Tử Quỳnh và Củng Lợi
đã làm nên một bộ ba geisha nổi đình nổi đám trong xã hội Nhật thời bấy
giờ. Và, không thể không nhắc đến vai diễn của cô bé Chiyo, một vai diễn
xuất sắc, một cô bé với đôi mắt hớp hồn ngay từ khi còn nhỏ…
LINK TẢI EBOOK TẠI ĐÂY:
0 nhận xét