LỜI TỰA
THÁI NGUYÊN BỒI ,trong một bài bàn về dân tộc Trung Hoa với đạo Trung
Dung có nói : “ Ngoài dân tộc Hy Lạp ra, còn các dân tộc khác ở Âu Châu
không thích hợp với đạo Trung Dung”.
Xét dân tộc Pháp , tôi thấy lời đó có phần đúng. Trong mấy trăm năm
văn học của Pháp mà chỉ có một vài nhà văn ở thế kỷ XVII , như
Descartes, Moliere là chủ trương đạo ấy thôi; còn ảnh hưởng của đạo đó
trong sự giáo dục quần chúng thì cơ hồ không có gì hết . Suốt hai thế kỷ
XVIII và XIX , người ta xô nhau vào con đường quá khích , mãi đến đầu
thế kỷ XX này, mới có ông Pierre Félix Thomas nhắc lại đạo đó trong cuốn
” Huấn luyện tình cảm ” mà tôi giới thiệu với độc giả đây.
Có phải vì nhẽ , trong khi các triết gia khác hô hào những thuyết cực
đoan để dắt nhân loại lên những bậc thang cực cao hoặc đẩy ta xuống
những hố sâu cực thẳm , thì ông ôn hoà khuyên ta noi gương một con đường
bằng phẳng để đi tới hạnh phúc mà cuốn ” Huấn luyện tình cảm ” này của
ông được Luân lí chính trị Học viện thưởng chăng?
Nhưng thuyết của ông không hợp với dân tộc tính của người Pháp cho
nên ông hô hào mà không ai hưởng ứng hết. Tới nay, những lời ông phàn
nàn rằng người ta quá thiên về trí dục , không biết dùng đức dục để bổ
sung điều hoà nó, vẫn còn là những lời rất hợp thời.
Từ khi văn minh Âu Tây tràn vào nước ta thì ta mỗi ngày mỗi xa đạo
Trung Dung . Nhất là ở trong địa hạt giáo dục , ta lại càng bài xích nó,
cho nó là ươn hèn ,là mơ hồ.
Xưa ta học lễ rồi mới học văn , (tiên học lễ hậu học văn) trọng đức
dục hơn trí dục. Nay ta chỉ học văn mà ít học lễ, học đức dục mà chỉ săn
sóc đến trí dục. Ở trường , từ thầy đến trò, đều cho giờ dạy luân lý là
giờ giải trí. Ở nhà, từ ông bà cho đến cha mẹ , đều khoe bằng cấp của
con cháu mà không xét đến đức hạnh của chúng. Ngoài xã hội , chỉ những
kẻ khôn lanh được trọng vọng , còn những kẻ đạo đức bị chê cười.
Kết quả ra sao, ông Thái Phỉ đã tả rõ trong cuốn ” Một nền giáo dục
Việt Nam mới ” , tôi không cần chép lại. Tôi chỉ muốn nhắc thêm rằng
chính người Âu đã phải nói: ” Trí dục mà không đưa ta đến đức dục thì
nguy hiểm hơn là ích lợi cho trật tự xã hội”, và chính cái đạo đó Trung
Dung của ta mà ta chê là cổ hũ đó , nhiều nhà giáo dục phương Tây đã
phải nhận là không bao giờ không hợp thời cả”.
Tôi sở dĩ dịch cuốn ” Huấn luyện tình cảm ” này là để chứng tỏ lời
tôi nói đó và nhất là để giúp các bậc thầy học và cha mẹ trong sự đào
tạo một thế hệ mới , một thế hệ vừa có trí thức vừa có đạo đức . Theo
tôi , công việc đào tạo thế hệ mới đó là công việc ta cần phải làm gấp.
Cuốn ” Huấn luyện tình cảm ” này , tuy là chỉ cách huấn luyến tình
cảm của mọi người , lớn cũng như nhỏ , nhưng tác giả đã chú trọng đến sự
giáo dục của trẻ em hơn cả, bởi nhẽ “ tre non dễ uốn”.Cho nên gọi nó
là’ Nhi đồng đức dục” có lẽ cũng không sai.
Phần lí thuyết chiếm một địa vị quan trọng . Khi phân tích một tình
cảm hay một xu hướng nào, tác giả cũng xet qua lại hết thảy những thuyết
của các triết nhân cổ kim , xem giá trị những thuyết đó ra sao. Ông đem
những kinh nghiệm của ông , những sự nhận xét của ông về trẻ em-những
kinh nghiệm và nhận xét đó rất nhiều, vì ông là một nhà giáo dục tận tâm
và có tài -để xét những thuyết đó chỗ nào sai , chỗ nào đúng , rồi bày
tỏ ý tưởng của ông ra và khuyên ta cách thực hành ra sao trong sự giáo
dục trẻ em.
Chính phần thực hành đó mới là phần có giá trị nhất. Ta thấy trong khi ông viết những đoạn đó , long yêu trẻ của ông thực là nồng nàn,yêu mà không chiều , yêu mà vẫn nghiêm. Vì lòng ông nhiệt thành cho nên văn ông nhiều chỗ cảm động , chỗ nào cũng sáng sủa , có khi hoa mĩ.
Chính phần thực hành đó mới là phần có giá trị nhất. Ta thấy trong khi ông viết những đoạn đó , long yêu trẻ của ông thực là nồng nàn,yêu mà không chiều , yêu mà vẫn nghiêm. Vì lòng ông nhiệt thành cho nên văn ông nhiều chỗ cảm động , chỗ nào cũng sáng sủa , có khi hoa mĩ.
Vậy cuốn ” Huấn luyện tình cảm ” này vừa là một tác phẩm về triết lý
vừa là một tác phẩm về văn chương. Dịch ra quốc văn là một việc rất khó.
Dịch cho hoàn toàn đầy đủ , có lẽ không được. Đó là một nhẽ. Nhẽ thứ
hai là dịch hết ra , theo tôi , không ích lợi cho lắm vì tác phẩm thuộc
về triết học hơn là về văn chương . Vì hai lẽ đó, tôi chỉ lược dịch
thôi.
Có đoạn tôi dịch hết , có đoạn tôi chỉ tóm tắt đại ý – những đoạn này
nhiều hơn cả- có đoạn tôi lại bỏ hẳn đi- những đoạn này rất ít.Trong
công việc đó , tôi không theo một phép tắc nào cả , chỉ cốt giữ sao cho
khỏ phản ý của tác giả và cho văn được rõ ràng để có thể phổ thông được
thôi.
Những ” em bé tí hây hây má đỏ hồng” dễ thương làm sao! Ta hãy quên
những nỗi khó khăn ở đời đi, quên tư lợi của ta đi, quên ta đi , để săn
sóc trẻ em hơn lên một chút và góp một phần trong công việc đào tạo một
thế hệ mới cho quốc gia. Công việc đó không phải là riêng của các nhà
giáo dục mà là của hết thảy các phụ huynh . Mà những khó khăn , tư lợi ở
đời cũng không khó quên đâu ! Chỉ nhìn cặp má hây hây , cặp mắt lóng
lánh của em bé tí là ta sẽ quên được hết !
TỔNG QUÁT
CẢM GIÁC TÍNH VÀ CẢM ĐỘNG TÍNH
Sinh vật không phải như Leib-niz nói , chỉ là một “khán giả “ở giữa
vũ trụ . Nó chịu ảnh hưởng hoặc nhiều hoặc ít của hoàn cảnh ở chung
quanh .Nhưng hoàn cảnh đó làm cho nó dễ chịu hay khó chịu. Nó biết vui
hưởng hay chịu khổ.Nó lại biết phản ứng lại để hợp với hoàn cảnh và làm
cho đời sống mỗi ngày một dễ dàng , mỗi ngày một đầy đủ . Tóm lại , nó
có cảm giác tính.
Những sinh vật đơn giản nhất cũng có cảm giác tính đó. Có loài rong
(al-gues) luôn luôn đi tìm ánh sáng ; có loài khác lại luôn luôn tìm
bóng tối. Có những loài nấm rất nhỏ, sống ở trong vỏ cây “chêne” , bỏ
vào nước thì ở yên một chỗ , mà hễ ném hạt mạt cưa vào thì dời cả lại
chỗ đó , như nhớ nhung mà tìm lại vậy.
Chắc không ai là không biết cây hổ thẹn . Hơi chạm đến nó là nó cụp
lại. Ta tưởng nó cũng như một cái máy . Nhưng không. Những thuốc mê như
éther, Chloroforme cũng làm cho nó mê và lá nó không cụp lại nữa .
Tập quán cũng có ảnh hưởng đến cảm giác tính của nó . Để lên trên một
chiếc xe , xe mới lọc cọc chạy thì nó sợ sệt , run rẩy , thu hình lại .
Nhưng xe lọc cọc một lúc thì nó quen đi, lại mở lá ra như cũ , chỉ lâu
lâu hơi run một chút thôi.
Cảm giác tính của loài động vật còn rõ rệt hơn. Có những vi trùng
biết đi tìm bột lọc (amidon) , có những loài khác ở trong nước biết chọn
lọc lấy thức ăn . Ở trong cơ thể ta, có những tế bào khác cùng loại với
chúng nhưng vô dụng vì già hay yếu , biết giết cả những vi trùng có hại
cho cơ quan ta nữa.
Cao hơn cảm giác tính , có cảm động tính. Nhờ có cảm động tính mà ta
liên lạc mật thiết với những người đồng loại, với cả vũ trụ. Chức năng
của nó thực là lớn lao mà trạng thái của nó cũng thay đổi vô cùng ; mỗi
thời một khác , mỗi nước một khác , cùng một người lại mỗi lúc một khác
.Giảng giải xếp đặt những hiện tượng dễ thay đổi như vậy, thực là khó.
Nhưng ở những chương sau , tôi cũng gắng tìm những nguyên tắc chi phối những hiện tượng đó để áp dụng vào giáo dục.
NGƯỜI DỊCH
ẤN NÚT CONTINUE ĐỂ TIẾP TỤC ĐẾN TRANG TẢI VỀ
0 nhận xét